Đậu xanh ngâm nhiều tiếng đồng hồ, nấu mềm nhừ. Dừa nạo vắt lấy nước cốt…. Bấy giờ cho gạo trộn nước lá cẩm và nước cốt dừa, nêm nếm muối, đường, xào trên bếp lửa khoảng 1 tiếng đồng hồ cho màu lá cẩm cũng như nước cốt dừa ngấm đầy hột nếp, vừa chín khoảng 30%.

Bà Huỳnh Thị Chậm (bên trái) và cô cháu nội, người đang nối nghiệp bà làm bánh tét lá cẩm.
Martin Yan là “vua đầu bếp” của trên 3.000 chương trình nấu ăn, phát sóng trên toàn thế giới, nổi tiếng nhất là chương trình “Yan can cook”. Trong chương trình thực tế “Taste of Vietnam” (Hương vị Việt Nam), Martin Yan cùng đoàn làm phim của ông đã làm việc tại Cần Thơ vào ngày 1-12-2012. Ba món ăn dân dã Cần Thơ được chọn để quay, giới thiệu là vịt nấu chao Thành Giao (hẻm 1 đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều); bánh xèo Mười Xiềm (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) và bánh tét lá cẩm của nghệ nhân Huỳnh Thị Chậm (phường An Thới, quận Bình Thủy).
Không biết bánh tét có mặt ở miền Nam từ bao giờ, nhưng có người cho rằng nó là “phó sản” của bánh chưng ngoài Bắc, khi Nguyễn Huệ dùng bánh để nuôi quân, đánh bại cuộc xâm lược của Đại Thanh, giải phóng Thăng Long… Từ đó, bánh tét lúc nào cũng vinh dự có mặt trong các đám tiệc long trọng, nhất là trong những ngày Tết Nguyên đán. Đó là những đòn bánh tét đơn giản với nếp bao quanh nhưn mỡ hành đậu xanh, bọc trong lớp lá chuối được nấu nhiều tiếng đồng hồ. Bẵng đi một thời gian rất dài, bỗng nhiên ở Cần Thơ xuất hiện một loại bánh tét “tân tiến”, đó là bánh tét lá cẩm, thu hút ngay lập tức khách sành ăn, và trở thành đặc sản của đất Tây Đô. Hiện nay, ở TP Cần Thơ có khá nhiều “lò” sản xuất bánh tét, như: Tư Đẹp, Chín Cẩm, Năm Hòa, Minh Tân…, đặc biệt là lò họ Huỳnh ở Bình Thủy.
Lò bánh tét lá cẩm họ Huỳnh ở Bình Thủy là của bà Huỳnh Thị Chậm, “đóng đô” tại đường Thái Thị Nhạn, phường An Thới, quận Bình Thủy. Bà Huỳnh Thị Chậm năm nay 83 tuổi, nên đã truyền nghề làm bánh tét lá cẩm lại cho ba người con ruột của mình, thành lập 3 lò bánh, gọi là “bánh tét thập cẩm”. Từ đó bánh tét thập cẩm của gia đình họ Huỳnh trở thành một “tập đoàn”, gồm các lò: Tài Hoa (kết hợp tên chồng – Đường Hữu Tài, con trai thứ bà Chậm – và vợ tên Hoa), Bé (Lê Phước Triệu, con rể bà Chậm) và của người anh cả Đường Hữu Kiệt. Ba lò nầy hoạt động từ ba chục năm nay.
http://nld.com.vn/20130108035545344p0c1201/banh-tet-la-cam-nha-ho-huynh.htm